[MF/MU] Cú Và Chim Se Sẻ - Phim Việt Nam
Posted by truyenonline
Cú Và Chim Se Sẻ - Owl And The Sparrow
Cô bé 10 tuổi mồ côi, nữ tiếp viên hàng không cô đơn và anh chàng chăm sở thú thất tình - ba người xa lạ kết bạn với nhau giữa Sài Gòn ồn ã. Một bộ phim ấm áp tình người do đạo diễn mang hai dòng máu Việt - Mỹ Stephane Gauger viết kịch bản, quay phim và đạo diễn.
Không khắc họa Việt Nam ở góc độ lịch sử, chiến tranh và cũng không nhìn qua lăng kính lãng mạn như nhiều đạo diễn Việt kiều, Stephane ghi lại một Sài Gòn đương đại ồn ào, hối hả với những con người rất thực. Ba nhân vật trong câu chuyện của anh đều là những người mà đạo diễn đã gặp và ấn tượng khi đến Việt Nam. Một cô bé mặc đồng phục học sinh bán hoa hồng trên đường phố, một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp và một anh chăm sóc sở thú chân chất. Câu chuyện xảy ra chỉ trong năm ngày. Ba người cô đơn và lạc lõng giữa thành thị xô bồ gặp nhau. Sự gặp gỡ đã mang lại niềm hạnh phúc, tình yêu mới khiến cuộc đời mỗi người thay đổi.
Nhân vật chính - cô bé Thủy (Phạm Thị Hân) mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống cùng chú ruột trong xưởng làm mành mành tre. Cô bé là người cứng cỏi và đầy lòng tự trọng. Không chịu được người chú khô cằn và hách dịch, Thủy bỏ nhà lên thành phố kiếm sống. Được những đứa trẻ khác chỉ bảo, Thủy bán tranh ảnh cho khách du lịch. Sau đó, cô bé lại đổi sang bán hoa hồng. Thủy cố tìm cách để tồn tại giữa thành phố và chứng minh cô sẽ sống nổi không chỉ một ngày như lời chú dọa.
Trong khi đi bán hoa, Thủy gặp Hải - một nhân viên chăm sóc các con vật trong sở thú. Hải là người chân thật, kín đáo, yêu con thú đôi khi hơn cả yêu con người. Trái tim anh đang tổn thương vì bị bạn gái bỏ rơi trước ngày hai người làm đám cưới. Anh cũng buồn lòng vì con voi anh chăm bẵm từ nhỏ sẽ bị bán sang vườn thú Ấn Độ. Ngoài Hải, Thủy còn quen với Lan - cô tiếp viên hàng không 26 tuổi xinh đẹp nhưng đơn độc. Lan có cuộc sống đầy đủ nhưng luôn thấy trống vắng và đau khổ vì mối tình với một cơ trưởng đã có vợ. Yêu quý cả Hải và Lan, bé Thủy liền tìm cách để họ gặp nhau và thành đôi. Sự chân thành, lòng tốt đã giúp ba người xa lạ trở thành những người thân. Nhưng giấc mơ có cha có mẹ chưa được thực hiện, Thủy lại bị chú đưa về vùng ngoại ô.
Dường như Thủy luôn gặp may mắn từ khi cô bước chân lên đò đến thành phố. Cô được các bạn nhỏ lang thang giúp đỡ, rồi lại gặp được hai người giàu tình thương là Hải và Lan. Có thể là do tính cách rắn rỏi và sâu sắc của cô bé. Tuy nhiên, cũng dễ nhận thấy chủ ý của đạo diễn khi ông không khai thác những mặt tối của cuộc sống, như tội ác, bạo lực… - những cạm bẫy của thành phố mà một cô bé mồ côi lang thang như Thủy có thể gặp phải. Stephane Gauger lại xây dựng nên những con người tốt, nhưng hơi lạ lùng và kín đáo bởi trái tim họ đều đang bị tổn thương. Ba con người là ba hình ảnh khác nhau của cuộc sống hiện đại. Stephane từng nói rằng, ông xây dựng nhân vật Thủy - một cô bé bán bông hồng vì từng gặp rất nhiều em bé mặc đồng phục bán hoa để kiếm sống giữa Sài Gòn. Còn Hải - một nhân viên trông sở thú giống với hình ảnh một con chim Cú rất thông minh theo cách nghĩ của người phương Tây, nhưng kín đáo và cô đơn. Anh đại diện cho những người Việt Nam truyền thống, ngại sự thay đổi. Trong khi đó Lan - giống hình ảnh chim se sẻ, vui vẻ và thường bay nhảy. Cô là người của lớp trẻ sau chiến tranh, một cô gái độc lập, hiện đại nhưng cô đơn vì chưa tìm được tình yêu thực sự.
Câu chuyện trong năm ngày lên thành phố của cô bé Thủy là một hành trình tìm kiếm cuộc sống mới, hạnh phúc mới, đã diễn ra như vậy chứ không phải theo một logic nào khác. Cô bé là sợi dây kết nối ba người xa lạ đến với nhau, sẻ chia và bù đắp tình yêu cho nhau giữa một Sài Gòn 8 triệu dân hối hả, ồn ã. Đó là cái nhìn giản dị, lạc quan và đầy nhân ái của Stephane Gauger về Sài Gòn ngày hôm nay. Câu chuyện ngọt ngào, ấm áp nhưng rất chân thực của nhà làm phim nước ngoài này có thể khiến những người Việt Nam bất giác nhìn lại, bớt hoài nghi và xô bồ để nhận ra những điều tốt đẹp hơn, để cảm nhận cuộc đời sâu lắng và trong trẻo hơn.
Cũng bởi qua con mắt của một người nước ngoài nên bộ phim có những chi tiết, hình ảnh sẽ không logic đối với khán giả người Việt Nam. Rất nhiều cảnh quay có thể không cần thiết về cuộc sống thực của Sài Gòn hay những thước phim quay chậm khuôn mặt của những đứa trẻ trên hành trình Thủy trở về nhà. Stephane làm phim điện ảnh nhưng lại mang không khí của phim tài liệu. Bộ phim ghi lại nhiều chi tiết đời thực, sử dụng ánh sáng và âm thanh tự nhiên. Đạo diễn đã sử dụng hai máy quay để quay cảnh thực trên đường Sài Gòn. Kỹ thuật này đưa đến một bộ phim chân thực và gần gũi. Tuy nhiên có thể khán giả cảm thấy không quen và hơi chóng mặt vì máy quay cầm tay khiến hình ảnh bị rung và cảnh bị chuyển đột ngột.
Với kinh phí khiêm tốn 50.000 USD và không có sao "hot", nhưng Cú và chim se sẻ để lại những ấn tượng không dễ quên với một câu chuyện chân thực và cảm động. Thành công của bộ phim một phần lớn là do diễn xuất của cô bé Trần Thị Hân 10 tuổi. Hân thể hiện rất đạt vai diễn một cô bé bề ngoài lạnh lùng, bướng bỉnh nhưng tâm hồn ngây thơ và khao khát yêu thương. Diễn viên nhí này toát lên được vẻ rắn rỏi, tự tin của nhân vật trong hành trình kiếm sống và cũng khiến người xem xúc động rơi nước mắt khi đến kết phim mới rơi giọt nước mắt đầu tiên, trong nỗi mong chờ cô tiếp viên hàng không đón nhận tình cảm của mình. Những diễn viên khác cũng được chọn rất phù hợp với nhân vật, như Lê Thế Lữ (từng đóng Mùa len trâu) và ca sĩ Cát Ly.
Cú và chim se sẻ là món quà đầy yêu thương mà đạo diễn Stephane dành tặng cho Sài Gòn - nơi anh sinh ra vào năm 1970. Mẹ Stephane là người Việt Nam, bố anh là người Mỹ. Năm 1975, anh cùng gia đình rời Việt Nam và trở lại nơi đây khi 25 tuổi. Stephane từng tham gia đoàn phim Ba mùa của đạo diễn Tony Bùi. Anh cũng đã thực hiện hai phim ngắn thể nghiệm trước khi làm Cú và chim se sẻ. Tác phẩm này là một trong sáu phim nhựa sẽ tranh giải Cánh diều vàng 2008.
Các giải thưởng Cú và chim se sẻ đã đạt được:
Giải thưởng:
LHP Los Angeles - Audience award - Best Narrative Feature (Phim tự sự hay nhất)
LHP Big Apple - Best Narrative Feature
LHP San Francisco Asian - Best Narrative Feature
LHP Dallas Asian - Best Narrative Feature
LHP San Diego Asian - Best Narrative Feature
LHP Heartland - NETPAC award
LHP Denver - Emerging filmmaker award
LHP Noah’s Ark Film Festival (Nga) - Giải Đạo diễn đặc biệt
Đề cử:
LHP châu Á cho phim đầu tay, Singapore - Kịch bản xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Phạm Thị Hân)
Giải thưởng IFP Gotham - Đạo diễn
Giải thưởng Independent Spirit - giải John Cassavetes
0 nhận xét:
Đăng nhận xét